Công nghệ nhận diện gương mặt đã hiện diện ở nhiều nơi và vẫn đang tiếp tục lan tỏa ra rộng hơn nữa. Trong khi những công ty công nghệ như Apple và Google đang tiếp thị công nghệ này như một phương thức bảo mật để ngăn người lạ mở khóa iPhone của bạn, chúng cũng được nhiều cơ quan chính phủ sử dụng để kiểm soát xã hội.
Rõ ràng không phải ai cũng thích việc một con mắt điện tử luôn theo dõi mọi hoạt động của mình mọi lúc mọi nơi, vì vậy, những nhà thiết kế hướng đến tính riêng tư, những nhà hoạt động, những nhà nghiên cứu đều nỗ lực thiết kế ra các phụ kiện đeo và quần áo để qua mặt hoặc đánh lừa công nghệ nhận diện gương mặt này.
Các phần mềm nhận diện gương mặt sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện gương mặt hoặc các đường nét của con người theo thời gian thực. Nhưng phần mềm cũng có thể sai – quần áo có thể khiến phần mềm xác định nhầm các hình dạng và không nhận ra đó là gương mặt người. Các loại quần áo khác lại đáng lừa AI bằng các gương mặt giả, khiến nó không nhận ra danh tính thật của người dùng.
Hiện các thiết kế này mới chỉ hiện diện trong các dịp trình diễn hiếm hoi, nhưng khi công nghệ nhận diện gương mặt đang ngày càng lan rộng và phổ biến, có lẽ chúng sẽ trở thành xu hướng mới của ngành thời trang ứng dụng.
Dưới đây là một số thiết kế kỳ quái nhưng cũng rất tài tình trong việc đánh lừa công nghệ nhận diện gương mặt:
Mặt nạ có thể chặn việc nhận diện gương mặt từ mọi góc độ.
Mặt nạ hình ống kính làm các thuật toán nhận diện gương mặt không thể phát hiện ra hình dạng của gương mặt nhưng vẫn cho phép con người đọc được các biểu cảm gương mặt và xác định danh tính.
Mặt nạ "ngăn chặn giám sát" này do Jip van Leeuwenstein thiết kế trong khi anh đang là sinh viên của trường Nghệ Thuật Utrecht School of Arts của Hà Lan.
Các thuật toán nhận diện hình ảnh chưa thể mô hình hóa các gương mặt bị méo mó như thế này.
Van Leeuwenstein cho biết: "Nhờ khả năng bẻ cong ánh sáng của nó, bạn sẽ không bị mất đi danh tính và biểu cảm gương mặt của mình. Vì vậy, bạn vẫn có thể tương tác với những người xung quanh mình."
Dùng máy chiếu để tạo nên một gương mặt khác
Một sinh viên thiết kế người Hà Lan khác đã sáng tạo ra một máy chiếu để phủ một hình ảnh gương mặt khác lên gương mặt của bạn nhằm đánh lừa máy tính về danh tính thật đằng sau hình chiếu đó.
Jing-cai Liu đã tạo ra một máy chiếu đeo đầu, để phủ một hình ảnh gương mặt lên chính gương mặt của bạn, tạo ra một diện mạo hoàn toàn khác, đánh lừa cả các phần mềm nhận diện gương mặt.
Hơn nữa, thiết bị này còn có thể chuyển đổi nhanh giữa các gương mặt khác nhau, làm việc nhận diện được càng trở nên khó khăn hơn nữa.
Đổi lại, việc đeo một máy chiếu lên đầu cũng khó có thể tạo nên một thiết kế ưa nhìn và chính vì vậy, ngay sau khi ra mắt, các hình ảnh về máy chiếu của Liu đã nhanh chóng lan truyền trên internet vì hình dáng kỳ dị của nó.
Kính trang bị đèn LED qua mặt công nghệ nhận diện gương mặt
Isao Echizen, một giáo sư tại Học viện Quốc gia về Thông tin tại Tokyo, đã thiết kế "loại kính riêng tư" như một thiết bị bảo vệ gương mặt của bạn khi bị các camera riêng tư ghi lại hình ảnh mà không được sự cho phép.
Các hình ảnh từ phòng thí nghiệm của Echizen cho thấy chiếc kính này ngăn khả năng phát hiện gương mặt người như thế nào.
Chiếc kính này được trang bị bằng "một dãy các đèn LED hồng ngoại tầm gần nhằm tạo ra các nhiễu cho việc ghi hình lại các gương mặt mà không làm ảnh hưởng đến khả năng nhìn của người dùng."
Khi bật lên, AI máy tính sẽ không xem đó như một gương mặt người nữa, dấu hiệu cho điều đó là hộp xanh bao quanh gương mặt đã biến mất.
Dùng trang điểm để đánh bại AI
Một kỹ thuật trang điểm có tên là CV Dazzle, do nghệ sĩ Adam Harvey tiên phong thử nghiệm như một phương thức dùng thời trang để chống lại công nghệ nhận diện gương mặt
Không giống như các phương pháp trang điểm khác, CV Dazzle kết hợp cả trang điểm, nối tóc giả, phụ kiện và trang sức đá để thay đổi gương mặt người dùng.
Kỹ thuật này thực ra đã xuất hiện từ thế chiến thứ nhất khi các tàu chiến được sơn bằng các dải màu đen và trắng để nhìn từ xa các tàu chiến khác khó xác định được kích thước và hướng đi của nó.
Khăn trùm đầu với họa tiết là gương mặt người
Sanne Weekers, sinh viên thiết kế tại Hà Lan, đã tạo ra một chiếc khăn trùm đầu với họa tiết là các gương mặt người trên đó để đánh lừa các thuật toán nhận diện gương mặt.
Weekers viết về chiếc khăn này như sau: "Bằng cách làm cho thuật toán bị quá tải về thông tin nạp vào, phần mềm sẽ bị nhầm lẫn, khiến bạn trở nên vô hình."
Dùng họa tiết in trên áo để làm lạc hướng công nghệ giám sát
Trong một nghiên cứu do đại học KU Leuven tài trợ, các nhà khoa học máy tính người Bỉ, bao gồm Simen Thys, Wiebe Van Ranst và Toon Goedemé đã thiết kế "các miếng vá nghịch đảo" để ngăn chặn những công nghệ giám sát này.
"Chúng tôi tin rằng nếu chúng ta kết hợp kỹ thuật này với một chương trình mô phỏng quần áo tinh vi, chúng ta có thể thiết kế một mẫu in áo phông khiến một người gần như vô hình đối với các camera giám sát tự động." Các nhà nghiên cứu cho biết.
Thiết kế mặt nạ dành cho cuộc biểu tình phản đối công nghệ nhận diện gương mặt
Để phản đối việc sử dụng công nghệ nhận diện các dấu hiệu sinh trắc học trên gương mặt cũng như sự bất bình đẳng mà công nghệ này gây ra, cuộc biểu tình "Facial Weaponization Suite" (Bộ đồ vũ khí hóa gương mặt) đã sử dụng các mặt nạ được mô hình hóa từ dữ liệu gương mặt của những người tham gia.
Theo nhà tổ chức Zach Blas, từ những dữ liệu này, họ tạo ra các mặt nạ vô định hình để các công nghệ nhận diện gương mặt sinh trắc học không thể phát hiện ra đó là những gương mặt người.