Các chuyên gia trong ngành CNTT tin tưởng việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) có thể giúp doanh nghiệp trong nước tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm.
Larry Ellison, CEO của Oracle, từng mỉa mai: "Điện toán đám mây là cái quái gì?" và cho rằng đây là xu hướng "ngớ ngẩn, vô nghĩa". Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, Oracle tuyên bố những kế hoạch triển khai công nghệ này. Giữa tháng 3, HP cũng khẳng định xây dựng dịch vụ đám mây trên nền webOS dù các nhà phân tích nghi ngại rằng HP đã quyết định tham gia quá muộn. Hai ví dụ trên là minh chứng cho thấy ngay cả những công ty IT hàng đầu thế giới cuối cùng cũng phải tự điều chỉnh để không thành kẻ ngoài cuộc.
|
Điện toán đám mây đang là một trong những chủ để được nhắc đến nhiều nhất tại các sự kiện công nghệ. Ảnh: Netzin.
|
Công ty nghiên cứu Gartner đánh giá ưu tiên chính của các giám đốc công nghệ (CIO) đang dần chuyển đổi từ các ứng dụng doanh nghiệp sang ảo hóa và điện toán đám mây nhằm giúp họ bớt lo lắng trong việc quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tập trung nhiều hơn vào việc lèo lái quá trình phát triển doanh nghiệp. Gartner cũng dự đoán, đến năm 2012, 80% doanh nghiệp trong danh sách 1.000 công ty hàng đầu theo đánh giá của tạp chí Fortune (Mỹ) sẽ sử dụng ít nhất một vài loại hình dịch vụ đám mây và khoảng 20% doanh nghiệp sẽ không còn sở hữu các tài sản hoặc hạ tầng công nghệ thông tin.
Không nằm ngoài xu thế, Việt Nam đang dần tiếp cận dịch vụ đám mây thông qua các dự án của một số doanh nghiệp nước ngoài như Microsoft, Intel … Công nghệ này được coi là giải pháp cho những vấn đề mà nhiều công ty đang gặp phải như thiếu năng lực CNTT, chi phí đầu tư hạn chế… Theo ông Nguyễn Huy Cương, CEO của Tinh Vân Consulting, hiện nay nhiều công ty đang hoang phí tài nguyên như không khai thác hết công suất của hệ thống máy chủ, đầu tư quá nhiều về mặt con người. Trong khi đó, về lý thuyết, cloud computing sẽ cho phép doanh nghiệp không cần tập trung quá nhiều cho cơ sở hạ tầng hoặc nâng cấp ứng dụng, không đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và có thể dễ dàng thay đổi quy mô khi cần.
Điện toán đám mây ở VN bắt đầu có những tín hiệu khả quan khi Steve Ballmer, Tổng giám đốc của Microsoft, sang thăm VN và ký thoả thuận hợp tác triển khai điện toán đám mây với tập đoàn FPT vào tháng 5/2010.
|
Tổng giám đốc Microsoft Steve Ballmer chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ về điện toán đám mây với FPT vào tháng 5/2010. Ảnh: Hoàng Huy.
|
Chia sẻ trong hội thảo Hành trình tới công nghệ điện toán đám mây đầu tháng này, ông Đào Gia Hạnh, Giám đốc Trung tâm Điện toán đám mây FPT, khẳng định trong nửa cuối 2011, FPT sẽ cung cấp bộ sản phẩm Office 365, Exchange Online, Office SharePoint Online và Lync Online sử dụng công nghệ đám mây của Microsoft. FPT cũng sẽ đầu tư nguồn kinh phí vài chục triệu USD để phát triển và cung cấp dịch vụ này cho Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Còn ông Dương Dũng Triều, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần hệ thống thông tin FPT (FPT IS), cũng bày tỏ tham vọng rằng các dịch vụ điện toán đám mây sẽ được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam vào năm 2015 và FPT sẽ là một trong những tên tuổi dẫn đầu lĩnh vực mới mẻ này.
Andrew Pickup, Tổng giám đốc tiếp thị của Microsoft châu Á Thái Bình Dương, kỳ vọng: "Chính phủ Việt Nam xác định CNTT-TT là một ngành mũi nhọn trong nền kinh tế quốc gia, và điện toán đám mây có khả năng thúc đẩy điều này. Các doanh nghiệp, chính phủ, cũng như người dùng Việt Nam nên triển khai công nghệ cloud computing phù hợp với nhu cầu kinh doanh của họ, chẳng hạn một vài doanh nghiệp vẫn cần giải pháp sử dụng phần mềm chạy ngay trên máy tính, một số khác sẽ hoàn toàn sử dụng điện toán đám mây, hoặc lại có những doanh nghiệp kết hợp cả hai". Microsoft cũng đã xây dựng trang web tiếng Việt về khả năng ứng dụng điện toán đám mây của doanh nghiệp tại microsoft.com/asia/cloud/vietnam.
Ông Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (NISCI), khẳng định điện toán đám mây là mục tiêu mà thế giới cũng như ngành CNTT trong nước hướng tới và đây chính là nhân tố thúc đẩy các quá trình chuyển đổi kinh doanh.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xem xét để xây dựng những quy định, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy mô hình điện toán đám mây và đánh giá đây là một hình thức giảm chi phí mà các cơ quan, doanh nghiệp có thể lựa chọn trong quá trình ứng dụng CNTT của mình.
Thuật ngữ "cloud computing" ra đời giữa năm 2007 không phải để nói về một trào lưu mới, mà để khái quát lại các hướng đi của cơ sở hạ tầng thông tin vốn đã và đang diễn ra từ mấy năm qua. Quan niệm này có thể được diễn giải một cách đơn giản: các nguồn điện toán khổng lồ như phần mềm, dịch vụ... sẽ nằm tại các máy chủ ảo (đám mây) trên Internet thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng (trên mặt đất) để mọi người kết nối và sử dụng mỗi khi họ cần. Với các dịch vụ sẵn có trên Internet, doanh nghiệp không phải mua và duy trì hàng trăm, thậm chí hàng nghìn máy tính cũng như phần mềm. Họ chỉ cần tập trung sản xuất bởi đã có người khác lo cơ sở hạ tầng và công nghệ thay họ. Google, theo lẽ tự nhiên, nằm trong số những hãng ủng hộ điện toán máy chủ ảo tích cực nhất bởi hoạt động kinh doanh của họ dựa trên việc phân phối các cloud (virtual server). Đa số người dùng Internet đã tiếp cận những dịch vụ đám mây phổ thông như e-mail, album ảnh và bản đồ số…
|