Các chuyên gia bảo mật vẫn đưa ra cảnh báo về nguy cơ mất mát dữ liệu cá nhân của người dùng khi truy cập Internet qua các đường Wi-Fi công cộng, tuy nhiên lợi ích mà nó mang lại cho du lịch và cộng đồng khiến ngày càng nhiều thành phố cung cấp giải pháp này cho người dân.
Wi-Fi miễn phí ở các nước
Năm 2003, công ty Verge Wireless phối hợp cùng Tropos Network xây dựng hệ thống Wi-Fi công cộng tại Trung tâm Baton Rouge (Louisiana, Mỹ), trở thành một trong những thành phố sớm nhất thế giới có Wi-Fi công cộng. Đến năm 2013, hơn 60 thành phố ở Mỹ đã được lắp đặt Wi-Fi miễn phí tại một khu vực hoặc toàn bộ thành phố.
Đa phần các nước tại châu Âu đều có Wi-Fi miễn phí tại các thành phố lớn, tập trung nhiều khách du lịch và có đời sống thương mại sôi động. Tại châu Á, Việt Nam là một trong 11 nước hiếm hoi có Wi-Fi công cộng tại một số thành phố lớn, bao gồm Hạ Long, Hội An, Đà Nẵng, Huế và sắp tới có thể là TP HCM.
Tuy nhiên, mỗi thành phố có cách triển khai Wi-Fi miễn phí khác nhau. Ví dụ, thành phố Đài Bắc, Đài Loan có hàng trăm điểm phát Wi-Fi miễn phí được chính quyền lắp đặt. Khách du lịch chỉ cần đăng ký trước khi đến đây để được truy cập trong vòng 30 ngày. Toàn bộ Đài Loan hiện có trên 5.000 điểm phát tương tự, đánh dấu bằng một bản đồ trên trang của chính phủ.
Chiến lược Wi-Fi miễn phí, dễ tiếp cận này cũng được áp dụng tại Tel Aviv (Israel) hay Birmingham (Anh). Thông thường, kinh phí duy trì các đường Wi-Fi này được chi bởi chính phủ hoặc các nhà mạng với những ràng buộc nhất định.
Một số thành phố khác chỉ hỗ trợ Wi-Fi miễn phí ở vài khu vực nhất định, và cũng trong thời gian ngắn hạn. Chẳng hạn, du khách đến Florence (Italy) cần mua một loại thẻ thông hành trị giá 72 euro, cho phép tham quan các hệ thống bảo tàng, sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng và cho phép kết nối vào các trạm Wi-Fi “miễn phí” trong vòng 72 giờ. Các trạm Wi-Fi này được lắp đặt tại nhiều khu vực khác nhau, từ công viên, bảo tàng, thư viện đến các tiệm ăn uống.
Tương tự, Hong Kong cung cấp Wi-Fi miễn phí ở hầu khắp thành phố, và 15 phút miễn phí tại các trạm tàu điện ngầm, dùng được 5 lần mỗi ngày. Du khách có thể mua một loại SIM đặc biệt trị giá 5,4 euro để truy cập 12.000 điểm Wi-Fi miễn phí khác.
Chất lượng Wi-Fi tại các thành phố cũng được hứa hẹn sẽ ở mức tốt. Tại Birmingham (Anh), nhà mạng Virgin Media Business cho biết Wi-Fi sẽ “hỗ trợ băng thông cao, cho phép sử dụng các dịch vụ tốn dung lượng như stream video hoặc chơi game online”. Tại Kansas (Mỹ), tốc độ hỗ trợ Wi-Fi miễn phí sẽ là tối đa 130MBs tải lên và 150 MBs tải xuống.
Một số trạm phát Wi-Fi còn trang bị camera an ninh, ổ sạc điện thoại… Nhiều ứng dụng du lịch cũng dần tích hợp thêm Bản đồ Wi-Fi miễn phí tại các thành phố khác nhau.
Trên TripAdvisor, chuyên trang về lời khuyên du lịch, đa số du khách phản hồi tốt về Wi-Fi ở các thành phố lớn, đủ dùng cho các nhu cầu cơ bản, dù đôi khi việc kết nối có thể phức tạp ở nhiều quốc gia.
Wi-Fi miễn phí rủi ro nhưng cần thiết
Dù có nhiều ý kiến cho rằng Wi-Fi công cộng chỉ có tác dụng với các du khách và không mang lại lợi ích gì cho người dân sở tại, các nhà hoạch định chính sách lại khá thống nhất quan điểm rằng miễn phí Wi-Fi sẽ mở ra nhiều cơ hội đối với bất kỳ ai có thể tiếp cận được chúng.
Với du khách, Wi-Fi miễn phí là một yếu tố hấp dẫn, nhất là trong thời đại phổ cập thiết bị. Theo Phòng phát triển Đô thị Vermont (Mỹ), Wi-Fi miễn phí sẽ tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu thành phố kỹ hơn, biến nó thành một điểm du lịch “thời thượng”, khuyến khích khám phá, và từ đó là chi nhiều tiền hơn cho chuyến du lịch.
Thống kê nhỏ tại Ludlow, thành phố du lịch 800 dân cho thấy, mỗi tuần có đến 1.500 lượt dùng Wi-Fi miễn phí. Thành phố có thể thông qua các đường truyền này để phổ biến thông tin, giới thiệu tham quan và các dịch vụ khác.
Wi-Fi miễn phí cũng góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo hơn. ThinkProgress đưa ra 4 lợi ích của đường truyền miễn phí, trong đó quan trọng nhất là tạo điều kiện cho những người không đủ khả năng sử dụng dữ liệu di động hoặc Wi-Fi cá nhân.
Một thống kê năm 2013 cho thấy, 96% người Mỹ có rất ít lựa chọn về nhà mạng và gói cước, 5% thậm chí sống tại các vùng không được nhà mạng phủ sóng. Chương trình Wi-Fi miễn phí là cơ hội để họ tiếp cận với Internet tốc độ cao, tăng cơ hội về học tập, việc làm và kiến thức.
Tất nhiên, có nhiều ý kiến chỉ trích liên quan tới Wi-Fi miễn phí, một trong những vấn đề lớn nhất là chi phí cho các dự án này khá cao. Doug Schremp từ Small BizTrends giải thích: “Có nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan đến các dự án kiểu này, do vậy chi phí thường rất cao và cần đầu tư đồng bộ”. Hệ lụy là người dân phải nộp nhiều thuế hơn, và nếu chất lượng không đảm bảo, Wi-Fi miễn phí thực tế lại có thể gây lãng phí cho người đóng thuế.
Bên cạnh đó là những lo ngại về vấn đề bảo mật, bởi Wi-Fi công cộng rất khó được kiểm soát hoàn toàn. Dữ liệu của người dùng thường được thu thập một cách bí mật hoặc đôi khi công khai vào những mục đích không rõ ràng.
Người dùng Wi-Fi miễn phí sẽ phải chấp nhận nhiều rủi ro về bảo mật. Ảnh: The National.
Khi Wi-Fi miễn phí được áp dụng tại New York, The Verge đưa ra lo ngại lớn nhất là những đợt tấn công từ hacker. Theo đó, các hacker có thể truy cập vào Wi-Fi, sau đó theo dõi dòng dữ liệu, nếu một người dùng sơ hở trên các trang web không được bảo mật, chúng có thể đánh cắp nhiều thông tin cá nhân, mật khẩu dưới dạng văn bản. Ngoài ra còn nhiều dạng tấn công khác như giả dạng Wi-Fi miễn phí, giả dạng các trang web của chính quyền nhằm lừa người dùng cung cấp các dữ liệu cá nhân.
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, những rủi ro đặt ra là "đáng cân nhắc" bởi lợi ích vĩ mô của Wi-Fi miễn phí là rất lớn.
Những giải pháp khác
Để tránh chi phí lớn cũng như các vấn đề bảo mật, nhiều mô hình Wi-Fi miễn phí từng được đưa ra. The Wired gợi ý mỗi người dùng cá nhân có thể chia sẻ một phần băng thông với công chúng, tránh quá tải băng thông khi có quá nhiều người dùng truy cập đột ngột. Đồng thời, việc này sẽ giảm tải chi phí lắp đặt mới các trạm phát Wi-Fi từ ngân sách nhà nước.
Tất nhiên, việc chia sẻ đường truyền cũng đặt ra nhiều vấn đề. Trước hết, cộng đồng, thành phố đó cần phải có lượng người dùng Wi-Fi cá nhân lớn, đồng thời các nhà mạng phải có giải pháp nhằm giới hạn lượng băng thông chia sẻ, tránh gây thiệt thòi cho người dùng.
Trên hết, Wired dự đoán, sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà mạng, cơ quan quản lý cũng như tinh thần chia sẻ của cộng đồng sẽ là chìa khóa thành công của mô hình chia sẻ Wi-Fi công cộng nêu trên.