Sau khi Bộ TT&TT triệu tập các doanh nghiệp để bàn về vấn đề phá giá dịch vụ cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về (VoIP quốc tế chiều về), các doanh nghiệp viễn thông đã đồng loạt nâng cước dịch vụ này từ 2,6 cent/phút lên 3,5 cent/phút.
Hầu hết các doanh nghiệp viễn thông đều khẳng định đã nâng cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về lên 3,5 cent/phút chứ không phải mức 2,6 cent như hồi tháng 9/2012.
Khi giọt nước tràn li...
10 năm trước, câu chuyện về phá giá cước dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về đã được đặt ra. Nhờ có lợi nhuận "khủng" do dịch vụ này mang lại mà một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm nên sự nghiệp từ "hai bàn tay trắng". Thế nhưng, cũng chính từ việc dễ dàng khai thác dịch vụ mà không phải đầu tư nhiều, không cần có hạ tầng, chi phí khai thác ít nên đã xuất hiện việc phá giá dịch vụ nhằm vun vén cho lợi ích của riêng của mỗi doanh nghiệp. 10 năm qua, việc phá giá dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về diễn ra thường xuyên.
Trước vấn đề này, cơ quan quản lí nhà nước đã đưa ra các biện pháp để tránh tình trạng phá giá dịch vụ. Thế nhưng, lợi nhuận và việc khai thác quá dễ dàng đã khiến cho những chính sách trở thành “ném đá ao bèo”. Ngay chính bản thân các doanh nghiệp cũng ý thức được chuyện phá giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về sẽ làm mất tiền của mình, tổn hại lợi ích quốc gia và cùng kéo nhau... xuống vực! Vì vậy, đã có vài lần các doanh nghiệp cùng cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về cũng muốn liên kết với nhau để tránh vấn nạn phá giá, nhưng chỉ một thời gian ngắn họ lại phá bỏ cam kết.
Trong một quyết định gần đây nhất là ngày 2/3/2011, Bộ TT&TT đã đưa ra mức giá cho dịch vụ VoIP quốc tế chiều về là 855 đồng/phút (khoảng 4,1 cent), hành vi bán dưới 15% mức giá này được xem là phá giá. Thế nhưng, sau đó giá dịch vụ kết nội điện thoại quốc tế chiều về phá giá thê thảm hơn chỉ còn 2,6 cent/phút, chạm đến giá thành. Theo phân tích của một chuyên gia viễn thông, lưu lượng chiều về Việt Nam mỗi năm là 3 tỉ phút. Nếu các doanh nghiệp làm theo đúng cam kết giữ giá ổn định ở mức 4,1 cent/phút thì ngoại tệ mang về mỗi năm là 123 triệu USD. Nhưng khi giá chỉ bán được 2,6 cent/phút thì số tiền mang về một năm cho các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam chỉ là 78 triệu USD. Như vậy, mỗi năm Việt Nam đã thiệt hại khoảng 45 triệu USD.
Trao đổi với báo Bưu điện Việt Nam, hai doanh nghiệp có thị phần lớn nhất là Viettel và VNPT tỏ vẻ mệt mỏi và không mấy mặn mà khi nhắc đến chuyện họp bàn chống chuyện phá giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Một lãnh đạo của VNPT cho hay là không tin tưởng vào chuyện có thể ngồi với nhau để xử lí vấn đề vì nó đã diễn ra suốt 10 năm qua. “Các doanh nghiệp nhỏ vẫn phá giá dịch vụ, nhưng cho dù thế nào thì họ vẫn phải kết nối vào mạng công cộng của VNPT và Viettel nên việc phá giá quá mức sẽ không còn tồn tại trên thị trường. Đành rằng VNPT và Viettel có thiệt hại, nhưng cũng thu được tiền kết nối của các doanh nghiệp nhỏ”, vị lãnh đạo này nói.
Trước thực trạng đó, báo Bưu điện Việt Nam đã đăng loạt bài về đua nhau phá giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về và cơ quan quản lí đã kiên quyết vào cuộc để xử lí.
Bộ TT&TT đã tổ chức một số buổi họp với các doanh nghiệp viễn thông cùng bàn về vấn đề xử lí chuyện phá giá cước, đồng thời đưa ra tuyên bố cứng rắn sẽ thanh tra xử phạt, thậm chí rút giấy phép đối với doanh nghiệp vi phạm.
Sẽ nâng giá cước kết nối lên 4,1 cent
Trao đổi với báo Bưu điện Việt Nam mới đây, hầu hết các doanh nghiệp viễn thông kinh doanh dịch vụ này đều khẳng định đã hủy các hợp đồng kí trước đó và nâng được cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về lên 3,5 cent/phút chứ không phải mức 2,6 cent như hồi tháng 9/2012.
Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel và VNPT đã nâng được cước dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về lên 3,5 cent từ 1/10/2012. “Chúng tôi bàn với VNPT để thống nhất việc nâng cước dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về lên 3,5 cent/phút. Hai bên thống nhất tập trung 1 giá và không để các đơn vị con trong nội bộ của VNPT chuyển lưu lượng sang Viettel với các mức giá khác nhau như trước nữa. Viettel và VNPT thống nhất với nhau đẩy tiếp cước dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về lên 4,1 cent đúng như quy định của Bộ trong thời gian tới”, ông Lê Đăng Dũng nói.
Đại diện CMC cũng lên tiếng xác nhận thông tin sau buổi họp hồi tháng 9/2012 với Bộ TT&TT, các doanh nghiệp đã đồng loạt nâng cước dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về lên 3,5 cent.
Cho dù cước dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về đã được đẩy lên so với trước, thế nhưng vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng tình trạng phá giá đã chấm dứt. Các doanh nghiệp cho rằng rất cần có "bàn tay" cứng rắn của Bộ TT&TT tham gia quản thị trường này.
Trong một cuộc họp với Bộ TT&TT hồi năm ngoái, đại diện VNPT cho biết, hiện nay mức cước thanh toán quốc tế trung bình trên thế giới khoảng 5 cent/phút (1000 đồng/phút). Còn tại cuộc họp mới đây với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay, có công ty tư vấn nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm rằng có thể đưa cước kết nối VoIP quốc tế chiều về của Việt Nam lên 10 đến 12 cent/phút. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy thì phải siết chặt quản lí không cho các doanh nghiệp đua nhau phá giá. "Lưu lượng quốc tế chiều về của Việt Nam có khoảng 3 tỉ phút/năm, nếu chúng ta nâng lên được 10 cent/phút thì sẽ thu về vài trăm triệu USD/năm. Song nếu để cước kết nối VoIP quốc tế chiều về quá cao thì có thể người dùng sẽ sử dụng Skype hoặc Viber (các phần mềm gọi điện thoại miễn phí qua Internet - PV) vì Việt Nam có Wi-Fi miễn phí khắp nơi", ông Phạm Hồng Hải nói.